Lưu ý khi sử dụng máy tiện ren

Máy tiện ren tự động kiểu thủy lực hiện nay là thiết bị khá phổ biến trong các doanh nghiệp, loại máy này giúp việc tiện trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn rất nhiều. Để giúp máy hoạt động tốt thì việc sử dụng đúng cách, vận hành theo hướng dẫn sẽ giúp nâng cao tuổi thọ của thiết bị. Dưới đây là những lưu ý cần nắm vững khi sử dụng và vận hành máy tiện ren thủy lực.

1. Hệ thống thủy lực:

Đối với hệ thống thủy lực và các bộ phận chấp hành trên máy tiện như van, xilanh thường sẽ được thiết kế theo một áp suất nhất định nằm trong khoảng từ 20 – 25kg/cm2, do đó, khi để máy hoạt động không nên vượt quá định mức trên. Việc vượt quá quy định có thể khiến thiết bị bị hỏng.

Để máy hoạt động tốt hơn thì cần phải kiểm tra dầu thủy lực định kỳ khoảng 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần. Việc kiểm tra này giúp xác định được chất lượng của dầu và có thể thay thế kịp thời để đảm bảo hoạt động của thiết bị.

Nếu như máy tiện của đơn vị làm việc liên tục từ 2 – 3 ca thì cần phải có bộ làm mát để tránh máy quá nóng. Nếu như quá nóng sẽ ảnh hưởng đến áp lực nén của xilanh thủy lực và khả năng gia công sẽ bị ảnh hưởng.

Tránh để nước làm mát chảy vào các van thủy lực vì có thể khiến các van bị chập, cháy.

Cần phải có chế độ kiểm tra van thủy lực định kỳ, nếu cuộn hút lỏng cần phải xiết chặt đai ốc lại ngay.

Thực hiện bảo vệ đường ống để tránh va chạm làm gãy vỡ ống thủy lực của máy.

2. Hệ thống cơ khí của máy:

Hệ thống cơ khí của máy khá quan trọng, nếu nó không được chăm sóc, bảo trì tốt thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ máy tiện. Sau khi sử dụng xong cần phải làm vệ sinh cho nó, tránh để nhiều thứ rơi vào làm kẹt băng máy và dẫn đến hỏng bàn dao.

Trong quá trình gia công, lượng nước mát phải vừa đủ và tập trung ở vị trí cắt gọt, không nên bơm nước làm mát quá nhiều để tránh bị tràn vào hệ thống công tắc rơ le sẽ khiến tuổi thọ của thiết bị bị giảm.

Khi thay thế ống cặp phôi cần phải cẩn thận, nhẹ nhàng để tránh vặn lệch ren giữa ống cặp và ống lồng.

Chỉ những trường hợp cần thiết mới được tháo ống lồng ra khỏi trục chính, việc tháo ra gắn vào có thể khiến nước làm máy chảy vào trục chính và gây hỏng các bộ phận bên trong trục.

Tùy theo kết cấu và thiết kế của máy mà chọn  dao, chế độ cắt và loại vật liệu phù hợp nhất để đảm bảo tuổi thọ của máy.

3. Hệ thống điện:

Khi đang hoạt động mà máy dừng lại thì chứng tỏ nó đã gặp sự cố, cần phải kiểm tra thật kỹ để có biện pháp khắc phục trước khi cho máy hoạt động trở lại.
Không nên tự ý sửa chữa bộ PLC để tránh hỏng toàn bộ máy.


T.T